Người ta muốn chia tay, nhưng bạn còn tình cảm rất nhiều…
5 cách níu kéo tình cảm |
Vậy làm cách nào để phục hồi lại tình cảm mà không làm mất đi giá trị của bản thân mình?
Khi cảm thấy mâu thuẫn đã lên đến “cực đại”…
Nhiều cặp đôi thường rất nóng tính và vội vã, khi nổi giận hoặc bất đồng, họ mất kiểm soát và hay nói ra những lời làm tổn thương đối phương. Trong vài phút nông nổi, họ quyết định chia tay vì cho rằng mọi mâu thuẫn không thể cứu vãn được nữa, và họ cũng đã bị ức chế tâm lý quá nhiều. Nhưng khi cơn giận qua đi, họ bắt đầu ăn năn cực độ: “Phải chi lúc ấy bình tĩnh lại.”
Do vậy, bạn phải biết “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Khi tình huống đang cao trào, tốt nhất nên kiềm chế cảm xúc vì mọi bất đồng đều có thể khiến tình cảm sứt mẻ và bạn có thể hành động nông nổi. Đó cũng là một cách giữ tình cảm.
Đừng bao giờ nghĩ đến hai chữ “chia tay” khi giận nhau, vì khi đã đến được với nhau là cả một quá trình, nên việc chia tay không đơn giản là một lời nói. Nó liên quan rất nhiều đến cảm xúc và làm xáo trộn cuộc sống. Chia tay không hề dễ như bạn nghĩ, và cảm xúc của bạn không ổn định thì tốt nhất không nên trò chuyện với “nửa ấy” của mình.
Cho thời gian suy nghĩ
Khi người ấy đòi chia tay, bạn có thể xử lý tình huống theo một trong các cách sau:
- Im lặng và không liên lạc trong một thời gian dài. Để cho nửa kia suy nghĩ về quyết định của mình. Bạn không xác nhận tức là mối quan hệ giữa cả hai vẫn chưa thật sự chấm dứt.
- Bạn bảo rằng: “Cho tớ thời gian suy nghĩ để quyết định”. Điều này khiến cho đối phương phải suy nghĩ lại hành động của mình, vừa níu kéo được tình yêu trong một khoảng thời gian nào đó, vừa giữ được “cái tôi” (chính bạn là người chủ động quyết định chứ không phải là người ấy.)
- Hoặc bạn nói: “Tớ cho cậu thời gian. Khi nào tỉnh táo rồi hãy nói chuyện với tớ”. Bạn đang trì hoãn và cách này có lợi cho cả bạn và người ấy.
Quản lý cảm xúc thật tốt
- Đừng đấu tranh tư tưởng trong thời gian này. Hãy dứt khoát với bản thân và chọn ra quyết định cho chính mình (nên nhớ rằng bạn quyết định cho bạn, do vậy tránh sự tác động từ bên ngoài càng nhiều càng tốt, bạn rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng khi phải cố giằng co giữa lý trí và cảm xúc). Hãy chọn cách tốt nhất cho bạn, đừng bị ảnh hưởng bởi những lời xung quanh.
- Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người ấy để hiểu và thông cảm hơn cho quyết định của họ. Đừng vội đổ mọi tội lỗi lên “người muốn chia tay”.
- Ai cũng mắc phải sai lầm, quan trọng là đừng làm cho mọi thứ thêm trầm trọng. Chính sự khéo léo của bạn sẽ giúp mọi việc đi theo chiều hướng tốt nhất.
Thay đổi những thói quen giữa cả hai
Khi đã cho người ta thời gian, bạn không nên tạo sự gò bó, ràng buộc mà hãy thử không liên lạc gì, cũng không quan tâm (xem như “chia tay tạm thời”). Thời gian thử thách này sẽ giúp bạn và người kia nhận ra nhiều điều.
Bên cạnh đó, hãy khắc phục những điểm hạn chế trong thời gian quen nhau. Suy nghĩ xem đâu là nguyên nhân khiến cả hai cảm thấy nhàm chán và khắc phục chúng.
Bạn cũng nên “tút” lại vẻ ngoài của mình sao cho bớt đơn điệu. Sự “làm mới” này rất có hiệu quả, vì dù sao thì hai bạn cũng đã quá quen thuộc khi nhìn mặt nhau và đôi khi chính sự quen thuộc này làm mất đi cảm giác rung động như thuở ban đầu.
Lạc quan
Nếu có xích mích và mâu thuẫn là chia tay ngay thì có lẽ tình yêu không tồn tại lâu bền trong cuộc sống này. Đôi khi sóng gió là lúc hai bạn nhìn nhận lại và “hâm nóng” tình cảm, để biết trân trọng và nâng niu những gì mình có hơn.
Đừng cho rằng “chia tay là hết” và mãi chìm trong sự dằn vặt, buồn khổ, u sầu. Cứ là bạn với nhau, nếu có duyên, ắt hẳn sẽ quay trở lại được. Cách tốt nhất sau khi chia tay là đừng oán hận, trách móc gì nhau. Khi tình yêu không còn, ta cũng phải cư xử thật đẹp để chứng tỏ mình bản lĩnh.
Và bạn phải chứng tỏ sao cho người ấy thấy rằng: “Mất bạn là một điều tiếc nuối to lớn nhất của người đó”. Đừng tự hành hạ bản thân hoặc đau khổ khi đã cố tìm cách níu kéo mà không được.
(Nhật kí cuộc sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét